Categories
Giải Ảo Lịch Sử

Tại sao người Việt chúng ta không bị Tàu đồng hóa suốt 1000 năm Bắc Thuộc ?

Courtesy of Hoàng Cơ Định

VÌ CHÚNG TA CÓ NGÔN NGỮ RIÊNG: TIẾNG VIỆT.
TIẾNG VIỆT CÒN, DÂN VIỆT CÒN.

Một ngàn năm Bắc thuộc đã được các sử gia Việt Nam quy định bắt đầu từ năm 111 TCN, kết thúc vào năm 938 do chiến thắng của Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Thật ra nước ta đã bị Bắc thuộc từ năm 180 TCN bởi nước Nam Việt của Triệu Đà. Triệu Đà là một viên Tướng của Tần Thủy Hoàng, ông đã chiếm cứ 3 quận phía Nam của nhà Tần mà lập nên nước Nam Việt vào năm 208 TCN. Tới năm 180 TCN Triệu Đà xâm chiếm nước Âu Lạc, chia thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân sát nhập vào Nam Việt. Đối với Âu Lạc, Triệu Đà cai trị một cách khoan nhượng, coi Âu Lạc như một thành phần của Bách Việt và đã tạo được cảm tình lâu dài. Khi Nam Việt bị nội thuộc Nhà Hán thì Âu Lạc cũng bị chung số phận.

Vào năm 226, sau nhiều cuộc nổi dậy của người Âu Lạc, nước Tàu lúc đó thuộc Nhà Đông Ngô, đã chia lãnh thổ Nam Việt trước đây dọc theo biên giới Việt Hoa ngày nay, phía Nam gồm Âu Lạc và Hợp Phố gọi là Giao Châu, phía Bắc là Quảng Châu. Tới năm 938 Âu Lạc giành lại được quyền tự chủ sau chiến thắng của Ngô Quyền trong khi Quảng Châu hoàn toàn thuộc về nước Tàu.

Vì sao, trong chiều dài 1000 năm, người dân Âu Lạc giữ được sắc thái riêng biệt, không bị đồng hóa với khối người Hán tại phương Bắc? Chắc hẳn có nhiều lý do, một phần có thể do yếu tố địa lý, núi cao chia cắt vùng này với phương Bắc. Quan trọng hơn là do các sắc dân sống trong thung lũng Sông Hồng, dòng dõi của Lạc dân thời Hùng Vương, có đặc tính khác biệt so với dân Bách Việt trong vùng Hoa Nam. Yếu tố đã tạo nên một Dân Tộc Tính khác biệt đã được thấy rõ hơn vào các thế kỷ kế tiếp, đó chính là vì tiếng nói riêng biệt của tổ tiên chúng ta trước đây, đó là Tiếng Việt.

Có tiếng nói nhưng chưa chắc đã có chữ viết, hay vì chữ viết quá thô sơ nên tổ tiên chúng ta đã sử dụng chữ Hán để ghi chép sự việc. Nhu cầu vay mượn chữ Hán của người phương Nam đã ăn nhịp với việc dùng Hán tự như một phương tiện bành trướng của phương Bắc. Hán học chính là quyền lực mềm của nước Tàu từ nghìn xưa.

Hán học đã ăn sâu vào văn hóa nước ta, ngay như sau khi đã giành được độc lập, các triều đại Việt Nam vẫn dùng chữ Hán làm văn tự chính thức. . Hán tự mà dân Việt gọi là chữ Nho viết như chữ Tàu, chỉ có cách phát âm là khác.

Dầu cho bị ảnh hưởng sâu đậm qua chữ Viết nhưng tổ tiên chúng ta vẫn có ngôn ngữ nói riêng biệt. Năm 791 Phùng Hưng nổi lên chống lại ách đô hộ của Nhà Đường, lấy lại độc lập cho nước Ta được 7 năm. Khi mất được dân chúng tôn làm Bố Cái Đại Vương. Hai chữ “Bố Cái” có nghĩa là “Cha Mẹ” là những chữ không có trong chữ Nho. Nỗ lực viết Tiếng Việt một cách riêng biệt được thực hiện bắt đầu từ thời Nhà Trần qua lối viết chữ Nôm. Lối viết Chữ Nôm chính là nỗ lực Việt Nam hóa Hán tự. Các Cụ đã dùng những chữ Hán ghép lại để đọc các âm thanh thuần túy trong ngôn ngữ của dân ta. Chữ Nho chỉ là lối viết và phát âm của một thiểu số trí thức trong xã hội trong khi chữ Nôm (có thể do âm thanh “chữ Nam”) mới ghi lại tiếng nói lâu đời phổ thông trong quần chúng.

Hai câu mở đầu trong bản “Hịch Xuất Quân” của Nguyễn Huệ đã được viết bằng chữ Nôm và đọc hoàn toàn theo tiếng nói của người Việt Nam:
打未底𨱾𩯀

打未底黰𪘵

“Đánh cho để dài tóc
Đánh cho để đen răng”

Chỉ câu kết, có thể vì thói quen đã ăn xâu vào tâm thức người Việt qua nhiều thế kỷ, nên Nguyễn Huệ đã phát biểu vừa Nôm vừa Hán:
“Đánh cho Sử tri Nam Quốc anh hùng chi hữu chủ”

(Đánh để sử xanh ghi lại là nước Nam anh hùng này có chủ.)

Bắt đầu từ Thế Kỷ 19, dưới triều đại độc lập Gia Long, văn học Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ qua các tác phẩm chữ Nôm như Truyện Kiều của Nguyễn Du và Chinh Phụ Ngâm của Đoàn Thị Điểm. Hai tác phẩm này là biểu thị của Dân Tộc Tính Việt Nam, đã lan tỏa từ Nam tới Bắc.

Qua tới Thế kỷ 20, lối viết bằng chữ Quốc ngữ đã thay thế cho chữ Nôm (là lối viết khó học, khó nhớ), giúp cho tiếng Việt nối kết dân tộc Việt Nam từ Nam tới Bắc. Học giả Phạm Quỳnh đã có một nhận định sâu sắc: “Tiếng nước Nam còn thì nước Nam còn”. Và Nhạc sĩ Phạm Duy đã đồng hóa tiếng Việt với nước Việt qua lời nhạc bất hủ:
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, Nước ơi!”

Tiếng Việt đã giúp dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa bởi đế quốc phương Bắc suốt ngàn năm qua, đó là lý do thế hệ chúng ta cần nỗ lực Học và Dạy nhau Tiếng Việt.

Còn Tiếng Việt thì Còn Dân Việt, Còn Nước Việt.

Hoàng Cơ Định

22/10/2022

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s